Viêm dạ dày ở trẻ em- Đừng chủ quan!
Đối với trẻ em, nhất là trẻ nhỏ, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đủ thời gian, tái khám đúng hẹn để việc điều trị không bị gián đoạn và kháng thuốc.
Cần xét nghiệm vi khuẩn HP cho những người trong gia đình để điều trị, tránh tình trạng bị lây nhiễm trở lại do những người trong cùng gia đình.
Việc ăn uống sinh hoạt hàng ngày cần phải đảm bảo vệ sinh, không dùng chung chén đũa, ly uống nước...
Bên cạnh đó phải kiêng uống các loại nước có gas, thức ăn quá nóng hay chua cay nhiều, ăn nhai kỹ, không chạy giỡn ngay sau ăn no..
Trẻ em ở những nước nghèo, đang phát triển bị viêm dạ dày do Helicobacter Pylori nhiều hơn trẻ em các nước phương Tây. Ở Ấn Độ có tới 60% trẻ bị viêm dạ dày do nhiễm HP, nhưng ở Pháp chỉ có 3,5% trẻ bị.Tại Việt Nam, trong một nghiên cứu năm 2004, tỷ lệ trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi bị nhiễm HP không triệu chứng là 34%, riêng trong các trại nuôi dưỡng tỷ lệ này là 71,4%.
Những biểu hiện thường gặp:
Viêm dạ dày có các triệu chứng dễ nhận biết như ợ hơi, đầy bụng, nóng rát hay đau bụng ngay vùng dưới xương ức (thượng vị)...Trẻ em thường kêu đau bụng trên rốn hoặc có khi quanh rốn tái đi tái lại nhiều lần, buồn nôn, nôn, biếng ăn, gầy sút...Trẻ nhỏ diễn tả triệu chứng không rõ ràng, có thể nhầm lẫn với các bệnh như rối loạn tiêu hóa, đau bụng giun…
Nguyên nhân nào gây viêm dạ dày ở trẻ em?
- Thường xuyên ăn không đúng bữa, nhịn đói quá lâu hay ăn quá no, ăn vội vàng không nhai kỹ, chạy nhảy ngay sau khi ăn no.
- Thói quen ăn nhiều chất chua, cay, uống nhiều nước uống có gas
- Uống kéo dài thuốc chứa corticoid trong điều trị các bệnh mãn tính (lupus ban đỏ, hội chứng thận hư…), thuốc khám viêm giảm đau
- Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
Trẻ em sống trong các điều kiện dễ bị nhiễm vi khuẩn HP như những nơi vệ sinh kém, nguồn nước sinh hoạt không sạch, gia đình đông đúc, thiếu tiện nghi vệ sinh, sinh hoạt chung với người bị nhiễm vi khuẩn HP...
Vi khuẩn HP lây lan theo dịch tiết đường tiêu hóa: nước bọt, phân. Do đó, thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, dùng chung chén đũa, uống chung ly nước, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén nước mắm…Trẻ nhỏ dễ bị lây từ cha mẹ mớm thức ăn cho con, đút trẻ ăn bằng muỗng ăn của mình…
Các phương pháp xét nghiệm:
Viêm dạ dày mãn tính do HP có nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày, do đó cần phát hiện để điều trị sớm. Để chẩn đoán bệnh nhân có viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori, có các phương pháp sau:
- Xét nghiệm qua nội soi dạ dày có kết quả chính xác hơn cả và thấy được tổn thương niêm mạc dạ dày, nhưng phương pháp gây khó chịu cho người bệnh và cũng có thể gặp phải những rủi ro.
- Test hơi thở: đây là phương pháp xét nghiệm cũng có độ chính xác cao, dùng đồng vị carbon C14 để chẩn đoán sự hiện diện của HP trong dạ dày. Phương pháp này nhẹ nhàng đơn giản, không xâm lấn cơ thể, không gây khó chịu cho người bệnh và đã được tiến hành nhiều tại Việt Nam.
- Xét nghiệm phân: phương pháp này đơn giản, cũng chính xác nhưng hơi phiền vì phải đợi lấy mẫu phân.
- Xét nghiệm máu: đây là phương pháp gián tiếp, tìm kháng thể kháng vi khuẩn HP.
Sau điều trị muốn kiểm tra xem còn vi khuẩn HP không, phải ngưng thuốc điều trị ít nhất 4 tuần rồi làm xét nghiệm thì các kết quả mới không bị sai lệch. Riêng phương pháp xét nghiệm máu không dùng để kiểm tra vi khuẩn sau điều trị vì kháng thể kháng HP vẫn còn tồn tại 1-2 năm dù vi khuẩn đã bị tiệt trừ.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR