TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC RỬA TAY SẠCH SẼ
Trong mùa dịch COVID-19 các phương án phòng bệnh luôn được người dân lưu ý và áp dụng. Nhưng bên cạnh đó, việc rửa tay và giữ tay sạch sẽ cũng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhưng không được nhiều người chú trọng.
Bàn tay của chúng ta có thể mang vô số mầm bệnh
Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh, tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay. Đặc biệt trong quá trình hoạt động hàng ngày, chúng ta sẽ thường xuyên va chạm, tiếp xúc với đồ vật và mọi người xung quanh dẫn đến tích lũy thêm nhiều vi khuẩn trên tay. Để chứng minh bàn tay có thể bẩn đến mức nào, Dayna Robertson - một giáo viên trường tiểu học Discovery tại thành phố Idaho Falls (Mỹ) đã quyết định thực hiện một thí nghiệm nhỏ và thí nghiệm này đã khiến mọi người hoàn toàn bất ngờ.
Dayna Robertson đã chọn 5 lát bánh mỳ mới ra lò và cho chúng chạm hoặc quét qua một số vật. Từng lát sau đó được nhét vào túi kín, niêm phong lại, để nguyên trong một tháng và cho ra kết quả như sau
Lát bánh mỳ đầu tiên quét qua một máy tính xách tay Chromebook, nơi mà rất nhiều người chạm tay vào và chỉ là tiếp xúc gián tiếp với tay người thôi nhưng bạn có thể thấy nó hỏng gần như toàn bộ.
Lát bánh mỳ thứ 2 được cho vào túi niêm phong ngay mà không ai động vào trông vẫn trắng tinh và có vẻ ổn. Mặc dù theo nhà sản xuất nó đã hết hạn và không thể ăn được.
Lát bánh mỳ thứ 3 do bàn tay chưa rửa chạm vào tạo nên những vết loang lổ màu vàng, đen và trắng, thể hiện sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc.
Lát bánh mỳ thứ 4 do bàn tay đã rửa sạch sẽ với xà phòng chạm vào. Có thể thấy nó không thể hiện bất kỳ biến đổi nào ngoài dấu tay đã in hằn lên đó.
Lát bánh mỳ cuối cùng do bàn tay đã sử dụng dung dịch rửa tay khô chạm vào. Qua đó có thể thấy mặc dù nước rửa tay khử trùng đã có hiệu quả ở một mức độ nào đó, nhưng bởi chỉ rửa tay khô khiến vi khuẩn không bị trôi đi như trong trường hợp rửa tay với nước và xà phòng nên ít nhiều chúng vẫn có thể bám lại trên tay. Hơn nữa, không phải các sản phẩm khử trùng đều có thể tiêu diệt 100% vi khuẩn, sẽ vẫn có những siêu vi khuẩn kháng lại được chúng và tồn tại trên tay bạn.
Thói quen đưa tay lên mặt
Theo một nghiên cứu, trung bình chúng ta vô thức đưa tay lên mặt gần 100 lần/ngày. Đặc biệt nếu tay không sạch, chứa vi khuẩn có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa tay chứa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng. Mặc dù, chúng ta không thể giữ tay vô trùng nhưng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp mỗi người hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, virút từ người khác sang mình và ngược lại.
Rửa tay như thế nào?
Rửa tay là một thói quen tốt, đơn giản và dễ thực hiện. Việc rửa tay sạch bằng xà phòng làm giảm 35% khả năng lây truyền vi khuẩn tiêu chảy - căn bệnh cướp đi tính mạng của hàng trăm ngàn người mỗi năm đặc biệt là trẻ em, những vi khuẩn gây bệnh hô hấp cũng được giảm 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Tuy nhiên không ít người rửa tay qua loa hoặc thậm chí không sử dụng xà phòng làm tay vẫn mang mầm bệnh và truyền lại vào cơ thể. Vậy đâu mới là cách rửa tay đúng và hiệu quả? Hãy cùng tham khảo qua quy trình dưới đây.
Thời điểm nào cần rửa tay
Để đạt được hiệu quả thì ngoài rửa tay đúng cách, bạn cũng nên chú ý đến những thời điểm cần phải rửa tay, đặc biệt là 5 thời điểm quan trọng sau
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh
- Sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời
- Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh
- Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi
- Trước khi vào bữa ăn, trước khi chế biến thức ăn cho gia đình
Trước tình hình như hiện nay, việc phòng bệnh bằng cách thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu. Hãy tạo thói quen rửa tay sạch sẽ và chia sẻ đến người thân, bạn bè thông tin hữu ích này nhé.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR