RĂNG KHÔN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ RĂNG KHÔN
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, là chiếc răng “oái ăm” và khiến nhiều người phải sợ hãi. Nguyên nhân là do răng khôn thường mọc ngầm, mọc lệch, khó làm sạch. Vì vậy qua thời gian nếu không can thiệp xử kịp thời, rất dễ dẫn đến sâu răng và gây hôi miệng.
Răng khôn là gì và có tác dụng gì?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 là những răng mọc sau cùng trên cung hàm và thường mọc khoảng từ 17-25 tuổi. Lý do chúng được gọi là răng khôn là để đánh dấu sự trưởng thành về thể chất và trí tuệ. Do mọc sau cùng mà vòm miệng của chúng ta không có đủ chỗ nên thường răng khôn sẽ không mọc bình thường mà mọc lệch hay chen chỗ các răng khác, dẫn đến sưng, đau nhức cản trở việc học tập và làm việc.
Dù mọc chậm hơn so với răng hàm khác nhưng răng khôn cũng giữ vai trò riêng của mình trong hàm răng. Răng khôn đóng vai trò quan trọng trong sự gắn kết hoàn hảo của nướu răng. Nếu răng khôn của bạn mọc thẳng, ngay ngắn như những chiếc răng khác, không bị cắn vào má khi ăn nhai và có đầy đủ răng trên dưới ăn khớp với nhau thì khi đó nó cũng có chức năng nhai bình thường. Ngoài ra nếu răng hàm của bạn vì lý do nào đó mà biến mất thì răng khôn là sự thay thế hiệu quả.
Vấn đề của răng khôn
Răng khôn giữ vai trò riêng của mình trong hàm răng và có khả năng thay thế răng hàm nhưng nó cũng kéo theo nhiều vấn đề, phiền toái không kém. Theo thống kê, trên 90% răng khôn đều có vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Các biến chứng thường gặp có thể kể đến như
- Răng khôn mọc lệch đâm vào răng số 7, gây sâu và có thể phá hỏng răng số 7 nếu không điều trị kịp thời.
- Răng khôn bị viêm lợi trùm gây sưng đau tái phát nhiều lần, có thể biến chứng viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết gây tử vong.
- Răng khôn mọc thẳng nhưng hở kẽ răng giữa răng khôn và răng số 7 gây hôi miệng, viêm lợi, viêm quanh răng.
- Răng khôn mọc gây xô lệch các răng phía trước.
Khi nào nên nhổ răng khôn?
Nhổ bỏ răng khôn là điều không cần thiết nếu chúng vẫn khỏe mạnh và hữu ích. Trong trường hợp răng khôn mọc lệch, làm ảnh hưởng đến cơ hàm hoặc các răng khác thì việc nhổ bỏ là cần thiết. Nguyên nhân là do răng khôn thường mọc ở các vị trí không thuận lợi hoặc khi xương hàm đã hết chỗ mà răng khôn lại nằm quá sâu trong hàm. Điều này sẽ khiến khó vệ sinh, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển và tăng nguy cơ viêm nướu, sâu răng.
Thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn là vào 18-20 tuổi vì độ tuổi này khả năng phục hồi của cơ thể tốt hơn. Đặc biệt khi răng khôn đã có biến chứng thì độ tuổi nào cũng cần phải nhổ. Lưu ý nên nhổ răng khôn vào buổi sáng hoặc chậm nhất là đầu giờ chiều, không nên nhổ vào lúc chiều muộn hoặc tối.
Trường hợp nào không nên nhổ răng khôn?
Răng khôn gây ra nhiều nguy cơ bệnh cho răng miệng nhưng không phải bất cứ trường hợp nào cũng cần phải nhổ bỏ. Những trường hợp có thể bảo tồn răng khôn có thể kể đến như:
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú.
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Người có bệnh về máu như máu khó đông, người bị bệnh tim mạch, huyết áp chưa điều trị ổn định.
- Người bị ốm, suy nhược cơ thể.
- Răng đang viêm, sưng đau.
Nhổ răng khôn có đau không?
Nhổ răng đặc biệt là răng khôn luôn là nỗi băn khoăn của nhiều người, nhất là các đối tượng nhổ răng khôn lần đầu. Vì răng khôn nằm ở vị trí cuối cùng trong cung hàm, liên kết nhiều dây thần kinh và có chân răng vững chắc nên quá trình nhổ răng khôn phức tạp hơn rất nhiều so với việc nhổ bỏ các răng còn lại. Nhưng hiện nay với sự phát triển của y học và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại, việc nhổ răng khôn đã trở nên nhẹ nhàng hơn và không còn là nỗi ám ảnh nữa.
Để giảm đau, các bác sĩ sẽ gây tê trong suốt quá trình nhổ răng khôn. Vì vậy bạn sẽ không cảm thấy gì khi bác sĩ đang thao tác thực hiện. Sau khi hoàn thành, các bác sĩ cũng sẽ kê toa giảm đau và hướng dẫn bạn cách ăn uống, chăm sóc phù hợp để thuyên giảm nhanh chóng.
Thăm khám và nhổ răng khôn ở đâu?
Để răng khôn tồn tại khỏe mạnh, an toàn với các răng kế cận hoặc cân nhắc nhổ bỏ nếu ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, bạn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Răng hàm mặt để có được lời khuyên tốt nhất khi điều trị răng khôn. Không nên tự ý xử lý, nhổ tại nhà để tránh dẫn đến viêm nhiễm và các bệnh về răng khác.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR