HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY
Hội chứng ống cổ tay (HCOCT) hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở nam giới hay nữ giới ,già hay trẻ nhưng thường thì tần suất xảy ra nhiều ở nữ hơn so với nam và trên 30 tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau trong dó có nguyên nhân nghề nghiệp là thường gặp ví dụ nữ văn phòng thường xuyên đánh máy tính, nữ tiểu thương hay dùng dao thái thịt để bán, v.v... những bệnh nhân này thường hoạt động cổ tay liên tục và duy trì động tác này trong một thời gian khá dài.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh:
Muốn hiểu một cách sâu xa về nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay chúng ta cần hình dung ống cổ tay là gì và cái gì chứa bên trong nó ? Ống cổ tay( OCT) là một ống sợi xương nằm ở mặt lòng bàn tay , đi bên trong có thần kinh giữa và 9 gân gấp từ cẳng tay đi xuống bàn tay , thần kinh giữa là thành phần nông nhất và mềm nhất trong ống cổ tay , Do đó tất cả những nguyên nhân làm giảm sức chứa của ống hay làm tăng thể tích các thành phần trong ống sẽ gây ra tăng áp lực bên trong ống dẫn đến chèn ép dây thần kinh giữa .
Phân chia các nhóm nguyên nhân nhỏ :
- Bất thường về giải phẩu : ống cổ tay nhỏ bẩm sinh, gân gấp dị dạng ,mấu xương ở khớp cổ tay, dị dạng do gãy cổ tay .. tất cả những yếu tố này làm hẹp ống tay chèn ép dây thần kinh giữa
- Thai kỳ, nhóm này tương đối hiếm gặp, khi có thai người phụ nữ hay bị phù, giữ nước.
- Suy giáp gây phù.
- Tiểu đường gây thoái hóa dạng bột.
- Các lực nén ép liên tục ở cổ tay do cử động liên tục ở cổ tay, duy trì một tư thế không thay đổi và kéo dài là nhóm nguyên nhân hay gặp nhất.
Sử dụng máy tinh thường xuyên quá lâu và sai tư thế là nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay.
Dấu hiệu nhận biết:
Dấu hiệu đau và mỏi ở vùng mặt trước cổ tay thấy sớm nhất nhưng ở giai đoạn này bệnh nhân khó phát hiện vì rất mập mờ, giai đoạn tiến triển rất dễ nhận biết, đó là tê, đau rần rần như kiến bò ở các ngón do thần kinh giữa chi phối đó là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, và một phần ngón nhẫn, nhưng cũng có thể tê hết các ngón. Đau có thể lan tỏa ngược lên chi trên, và dữ dội vào ban đêm khiến bênh nhân tỉnh giấc và làm động tác rảy tay liên tục cho đỡ tê mới ngủ tiếp, đau tăng lên khi để cổ tay hoạt động dài lâu như mới cầm vô lăng xe,nghe điện thoại lâu, cũng có thể sau một giấc ngủ bệnh nhân kêu đau và tê các ngón. Giai đoạn nặng bệnh nhân bị teo cơ ô mô cái( hay cơ gò cái ), cầm nắm vụng về và cơ lực bàn tay yếu đi, viết khó, dễ làm rơi đồ vật ... khi đó thần kinh giữa đã có thể bị tổn thương nghiêm trọng.
Phương pháp điều trị:
Chủ yếu phân ra hai loại điều trị đó là nội khoa và ngoại khoa .
Nội khoa:
- Vật lý trị liệu bằng cách đeo nẹp cổ tay, có thể đeo luôn cả vào ban đêm để cố định cổ tay cải thiện đáng kể cảm giác tê rần đầu các đầu ngón tay khi ngủ dậy ( khoảng 70 % trường hợp)
- Uống thuốc giảm đau , chống viêm ( hay dùng dòng NSAIDs)
- Tiêm Corticosteroid tại chỗ ,đây là biện pháp tương đối dè dặt, thực hiện bởi những bác sĩ được đào tạo bởi những lớp huấn luyện tiêm COR tại chỗ
Ngoại khoa: Khi điều trị nội khoa thất bại , hoặc có cải thiện nhưng không đáng kể. Có hai phương pháp phẫu thuật đó là
- Mổ hở: phẫu thuật rạch một đường nhỏ trên ống cổ tay, cắt hoàn toàn dây chằng ngang cổ tay, giải áp dây thần kinh giữa ra khỏi ống cổ tay, phương pháp này chỉ cần gây tê tại chỗ,bệnh nhân có thể không cần nằm viện.
- Mổ nội soi: Phẫu thuật viên sẽ đưa dụng cụ nội soi có gắn camera quan sát vào ống cổ tay, cắt hoàn toàn dây chằng ngang , giải phóng dây thần kinh giữa , ưu điểm là hậu phẫu ngắn ngày hơn mổ hở, thẩm mỹ hơn . Thống kê cho thấy rằng hơn 90% các trường hợp điều trị ngoại khoa thành công , không tái phát nếu tuân thủ chế độ nghỉ ngơi và luyện tập sau khi mổ .
* LỜI KHUYÊN: Điều quan trọng đối với các bệnh nhân mắc phải hôi chứng này là phải thay đổi môi trường làm việc, tuân thủ các biện pháp vật lý trị liệu của bác sĩ đề ra khi tiến hành điều trị , ý thức tránh các động tác sai như gập cổ tay liên tục trong thời gian dài mà không có thời gian thư giãn nghỉ ngơi , thường xuyên tập thể dục đối với những người làm việc ngồi nhiều, ăn chế độ ăn đầy đủ các vitamin tốt cho thần kinh ngoại biên như B1, B12, B6.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR