ĐỪNG CHỦ QUAN KHI CÓ VẤN ĐỀ VỀ TIÊU HÓA
Bạn luôn cảm thấy ăn không ngon miệng, bụng lúc nào cũng ì ạch, khó tiêu. Chớ nên chủ quan, bởi đây cũng là một trong các triệu chứng của ung thư dạ dày.
CÁC NGUYÊN NHÂN UNG THƯ DẠ DÀY
Ung thư dạ dày có thể do nhiều yếu tố gây ra bao gồm cả yếu tố về gen và môi trường sống. Một vài nguyên nhân thường gặp như:
• Chế độ ăn nhiều muối và thịt hun khói.
• Hút thuốc lá: tỷ lệ mắc ung thư càng tăng phụ thuộc vào số lượng thuốc lá trong ngày và khỏang thời gian hút thuốc lá
• Nhiễm Helicobacter pylory là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với ung thư dạ dày. H.pylory có thể lây nhiễm trong 50% dân số thế giới nhưng chưa tới 5% trong số đó phát triển thành ung thư. Yếu tố sinh ung có thể chỉ phụ thuộc vào một chủng H.pylory đặc biệt liên quan chặt chẽ với ung thư do sản sinh quá nhiều yếu tố gây viêm dạ dày. Nhiễm H.pylori với một bệnh sử viêm dạ dày teo mạn tính có nguy cơ sinh ung thư cao gấp 6 lần.
• Yếu tố do gen: khoảng 10% các trường hợp ung thư dạ dày có yếu tố gia đình.
TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP
• Giai đoạn sớm các triệu chứng còn nghèo nàn và mơ hồ. Các tổn thương ung thư còn giới hạn trong lớp niêm mạc và lớp dưới niêm. Các triệu chứng như: ăn không ngon miệng, chán ăn, cảm giác chậm tiêu, ậm ạch, đầy bụng.
• Giai đoạn tiến triển ung thư đã xâm lấn đến lớp cơ hay xa hơn. Có thể có đau nhưng không đau nhiều,thường đau về đêm. Da xanh do thiếu máu rất thường thấy do chảy máu rỉ rả ở mô ung thư. Ung thư hang vị có thể có triệu chứng hẹp môn vị (lòng dạ dày bị hẹp lại do ung thư) như: đầy bụng, khó tiêu, nôn sau khi ăn ra thức ăn chưa được tiêu hóa. Ung thư tâm vị có thể gặp chứng nuốt nghẹn, lúc đầu nghẹn cơm, cháo, sau nữa uống nước cũng nghẹn. Có thể sờ được khối u nấp dưới mạn sườn trái.
• Giai đoạn muộn: thể trạng suy kiệt, da xanh mướt do thiếu máu nặng, đau rõ rệt và liên tục, bụng báng, bụng có khối ung thư to chiếm gần hết vùng trên rốn. Đôi khi phát hiện được các di căn xa ( hạch hố trên đòn, u buồng trứng...)
CẬN LÂM SÀNG CHẨN ĐOÁN
- Các dấu ấn ung thư trong máu: CEA tăng trong 50% các trường hợp và CA 19.9 tăng trong 20% trường hợp ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh:
• Nội soi dạ dày tá tràng và sinh thiết: ống soi mềm loại nhìn thẳng có thể nhìn thấy tất cả mọi vùng của dạ dày, hình ảnh rõ ràng, phát hiện những tổn thương tiền ung thư (polyp dạ dày), những tổn thương ung thư giai đoạn sớm nhỏ - nông ở niêm mạc. Ngoài ra,có thể sinh thiết trong quá trính soi để làm giải phẫu bệnh tế bào.
• X quang dạ dày cản quang: chẩn đoán xác định trong 80-90% các trường hợp. Phương pháp chụp đối quang kép có khả năng chẩn đoán xác định cao hơn. Chẩn đoán được vị trí ung thư, hình thái của thương tổn.
• Siêu âm qua nội soi: giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán bệnh và xác định độ xâm lấn của thương tổn.
• CT scan hoặc MRI: cho thấy khối u trong lòng dạ dày, bề dày của thành dạ dày, các hạch lympho quanh dạ dày và đánh giá xâm lấn vào các cơ quan xung quanh (tụy,gan), đánh giá di căn xa (gan, phổi, xương, buồng trứng...)
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Phẫu thuật: Điều trị ung thư dạ dày chủ yếu bằng phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi cắt bỏ niêm mạc (Endoscopic mucosal resection) được dùng để điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm khi khối u mới chỉ nằm ở niêm mạc.
Các phẫu thuật cắt dạ dày bao gồm: cắt bán phần dưới dạ dày ( ung thư ở 1/3 dưới), cắt bán phần trên dạ dày ( ung thư 1/3 trên), cắt toàn bộ dạ dày ( ung thư 1/3 trên, ung thư 1/3 giữa hay ung thư toàn bộ dạ dày).
Phẫu thuật dạ dày luôn kèm theo nạo bỏ các hạch lympho quanh dạ dày để tăng khả năng loại bỏ triệt để các tế bào ung thư.
Hóa trị
Hóa trị là một điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị đi khắp cơ thể, tiêu diệt các tế bào ung thư có thể đã lan rộng ra khỏi dạ dày. Các hóa chất vẫn được sử dụng là: 5 fluorouracil (5FU), Adriamycin, Mytomycin C, Cisplatin, Methotrexate...
Xạ trị
Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tia năng lượng đến từ một máy chuyển động xung quanh khi nằm trên bàn.
Liệu pháp bức xạ có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ một khối u dạ dày dễ dàng gỡ bỏ. Xạ trị trong mổ ngay sau khi cắt bỏ dạ dày để làm tăng khả năng tiêu diệt tế bào ung thư rải rác còn sót lại. Bức xạ trị liệu cũng có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật kết hợp với hóa trị để làm tăng tần suất điều trị thành công ung thư sau khi đã phẫu thuật khối U.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR