BỆNH RĂNG MIỆNG CẢN TRỞ QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP
· Sức khỏe răng miệng là một thành phần quan trọng trong tổng thể sức khỏe toàn thân.
· Vôi răng là môi trường chứa vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh sâu răng và bệnh nha chu.
· Bệnh nha chu nếu điều trị sớm ở giai đoạn viêm nướu thì có thể hồi phục. Nếu điều trị muộn, mô nha chu bị phá hủy trầm trọng thì không giữ được răng.
· Điều trị sớm bệnh sâu răng sẽ bảo tồn được mô răng khỏe mạnh, tiết kiệm chi phí điều trị.
· Răng, mô nha chu, xương hàm, hệ thống cơ nhai và khớp thái dương hàm là các thành phần của hệ thống nhai, có mối quan hệ chi phối và duy trì lẫn nhau.
1. Bệnh sâu răng:
Có 03 yếu tố gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, thức ăn và thời gian. Vi khuẩn chuyển hóa đường, thức ăn thành axit phá hủy cấu trúc men răng, ngà răng, tạo ra các lỗ hổng trên bề mặt răng. Nếu điều trị sớm bằng cách trám răng, bạn sẽ bảo tồn được mô răng lành mạnh. Nếu không, răng tiếp tục bị phá hủy dẫn đến tình trạng viêm tủy gây đau nhức, trầm trọng hơn là các biến chứng nhiễm trùng quanh chóp răng, viêm xương, viêm xoang hàm
2. Viêm nha chu:
Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn tồn tại trong mảng bám răng và vôi răng. Biểu hiện giai đoạn đầu của bệnh nha chu là nướu sưng đỏ, chảy máu khi chải răng hay khi dùng chỉ nha khoa. Vì vậy, bạn cần chải sạch răng sau khi ăn và đến nha sĩ cạo vôi răng định kỳ để hạn chế sự hình thành mảng bám vi khuẩn và vôi răng. Điều trị ở giai đoạn sớm, nướu có thể hồi phục. Nếu không điều trị, xương và dây chằng nha chu nâng đỡ răng bị tổn thương, hình thành túi nha chu gây ứ đọng thức ăn và mảng bám vi khuẩn. Ở giai đoạn này, điều trị tình trạng viêm bằng cách nạo túi nha chu, làm láng bề mặt chân răng nhằm bảo tồn răng, hạn chế nhổ răng.
3. Răng nhạy cảm:
Tình trạng ê buốt xảy ra khi ăn uống, chải răng có thể do sâu răng, mòn răng, viêm nha chu gây tụt nướu, chấn thương làm nứt gãy răng. Nguyên nhân do lớp men răng bị tổn thương, lớp ngà răng bị lộ, các ống ngà bị kích thích do nhiệt độ hay tính chất của một số loại thức ăn. Khi gặp vấn đề này, bạn không nên tự chẩn đoán mà hãy đến nha sĩ để xác định nguyên nhân gây ê buốt và điều trị hiệu quả.
4. Hôi miệng:
Để hạn chế tình trạng này, bạn cần chải răng sạch ngay sau khi ăn, dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở vùng kẽ răng và cũng không quên chải lưỡi, vệ sinh răng giả nếu có.
Khám răng và lấy vôi răng định kỳ, điều trị sâu răng là hoạt động chăm sóc răng miệng cần thiết. Ngoài ra, cần đến bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh lý viêm dạ dày, viêm đường hô hấp - là những bệnh lý làm hơi thở có mùi hôi.
5. Rối loạn khớp Thái dương hàm:
Những rối loạn này liên quan đến hệ thống cơ nhai và khớp thái dương hàm. Biểu hiện phổ biến nhất là đau ở vùng tai hoặc khớp thái dương hàm khi ăn nhai kèm tiếng kêu lụp cụp ở khớp khi há ngậm miệng. Nếu không được xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp, các biểu hiện trên ngày càng trầm trọng, có thể gây trật khớp thái dương hàm khi vận động há miệng.
6. Răng lệch lạc, chen chúc:
Tình trạng lệch lạc răng mặt có thể do di truyền hoặc do mắc phải khiến gương mặt mất đi sự hài hòa. Với những tiến bộ hiện nay của ngành chỉnh nha, cả trẻ em và người lớn đều có thể được điều trị chỉnh nha thành công.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- 8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR