8 ĐIỀU CẦN LƯU Ý ĐỂ PHÒNG TRÁNH COVID-19 TẠI NƠI LÀM VIỆC
Hiện nay mặc dù TP.HCM đã bước vào giai đoạn bình thường mới, các công ty, loại hình kinh doanh được phép hoạt động trở lại để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên thực tế COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn và có nguy cơ trở lại nếu chúng ta không lưu ý, có những biện pháp đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và những người xung quanh. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn, phòng tránh COVID-19 tại nơi làm việc? Hãy cùng xem qua 8 khuyến cáo sau
1️. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây
Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm, tiếp xúc vào đồ vật và mọi người xung quanh, dẫn đến tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Vì vậy việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp chúng ta hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi-rút từ người khác sang mình và ngược lại. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch, bạn hoàn toàn có thể dùng các sản phẩm vệ sinh tay chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
2. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng
Các nghiên cứu cho thấy bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh, thường tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay. Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, chúng ta thường vô tình đưa tay lên mặt, chạm vào mắt, mũi hay miệng dẫn đến tự lây nhiễm bệnh cho chính bản thân mình.
3️. Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy
Khi ho, hắt hơi chúng ta thường quen với việc dùng hai tay che vùng miệng, mũi để giảm sự phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Nhưng điều này sẽ làm tay dính vi khuẩn và khiến chúng ta tự lây nhiễm bệnh tật cho chính mình. Vì vậy, thay vì dùng tay hãy dùng khăn giấy, khăn tay hay khuỷu tay che để giảm thiểu lượng vi khuẩn, vi-rút trong dịch tiết dính trên tay và lây nhiễm lại vào cơ thể.
- Nếu sử dụng khăn vải, khăn tay thì giặt sạch sau khi sử dụng, kết hợp phơi nắng và rửa sạch tay.
- Nếu sử dụng khăn giấy thì bỏ ngay vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay.
4️. Tích cực và duy trì thói quen vận động tại nơi làm việc
Khi xâm nhập vào cơ thể, vi-rút SARS-CoV-2 sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy việc tích cực và duy trì vận động tại nơi làm việc như tập vài bài thể dục ngắn giữa ca hoặc trong lúc nghỉ ngơi có thể giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng để kháng lại các loại vi-rút, siêu vi.
5. Ăn uống đủ chất, đảm bảo vệ sinh
Cũng giống như vận động thường xuyên, việc ăn uống đủ chất sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó để đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống nạp vào cơ thể hoàn toàn vệ sinh, bạn nên hạn chế ăn uống ngoài. Nếu phải ăn uống ngoài, hãy chọn những nơi cung cấp nguồn thức ăn, nước uống uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.
6. Nếu làm việc trong môi trường máy lạnh, lưu ý giữ ấm các vùng mũi, họng, tránh để bị lạnh các vùng trên
Nhiệt độ thấp là một trong những điều kiện để vi-rút có thể tồn tại trong môi trường lâu hơn. Bên cạnh đó khi làm việc trong môi trường máy lạnh chúng ta thường đóng kín cửa. Điều này làm nguy cơ lây lan trực tiếp vi-rút từ người mang mầm bệnh sang người lành cao hơn so với khi nhiệt độ môi trường ấm áp, thoáng khí. Ngoài ra khi làm việc trong môi trường máy lạnh, chúng ta sẽ dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt là các vùng mũi, họng, làm phát sinh thêm các bệnh cảm cúm và ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Vì vậy nếu làm việc trong môi trường máy lạnh bạn nên để ở nhiệt độ vừa phải, giữ ấm mũi, họng, tránh để bị lạnh các vùng trên. Bên cạnh đó có thể kết hợp mở rèm, tấm che, cửa sổ trong vài giờ để phòng tiếp thu ánh nắng mặt trời và thoáng khí.
7. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở)
Nhằm hạn chế bị lây nhiễm tối đa, đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và cả người xung quanh, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính (dù bạn hay người bệnh đều đã có thẻ xanh hoặc đủ 2 mũi vắc xin). Trong trường hợp cần thiết phải tiếp xúc bắt buộc đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách phù hợp.
8. Nếu thấy bản thân hoặc đồng nghiệp có các biểu hiện của COVID-19 như sốt, ho, khó thở, mất mùi hoặc vị giác… cần thông báo cho người làm công tác y tế tại cơ sở lao động ngay để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Môi trường làm việc là nơi tập trung nhiều người nên nếu có bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 bạn nên thông báo ngay với người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được thăm khám, chẩn đoán và có phương án cách ly, điều trị phù hợp, nhanh chóng. Tránh lây lan và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Các tin khác
- BIẾN CHỨNG COVID-19 NẶNG VÌ KHÔNG BIẾT MÌNH CÓ BỆNH NỀN
- TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHÁM SỨC KHỎE HẬU COVID-19
- PHÂN BIỆT TEST NHANH KHÁNG NGUYÊN VÀ XÉT NGHIỆM RT-PCR
- DẤU HIỆU NHẬN BIẾT PHẢN ỨNG SAU KHI TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19